6 Công ty Chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt

Chiều 23/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước đã công bố danh sách các công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt do không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính (tỷ lệ vốn khả dụng/ tổng rủi ro nhỏ hơn 120%). Góp mặt trong danh sách này có 2 công ty đã chấm dứt tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 3/2012 là Chứng khoán Trường Sơn và Chứng khoán Hà Nội; 2 công ty này chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2011. 4 cái tên còn lại là Chứng khoán Cao Su; Vina; Đà Nẵng và Mê Kông.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 6 công ty này đều có tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng vốn rủi ro nhỏ hơn 120%. Thời điểm kiểm soát đặc biệt bắt đầu từ ngày 23/4/2012.

Kết quả kinh doanh của Chứng khoán Vina cho thấy, công ty này lỗ 4 năm liên tiếp với tổng số lũy kế đến cuối năm 2011 là 154,7 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu chỉ còn 58,5 tỷ đồng (vốn điều lệ 185 tỷ đồng). Chứng khoán Vina lỗ lũy kế đến cuối năm 2011 là 33,3 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 6,7 tỷ đồng (vốn điều lệ 40 tỷ đồng). Công ty chứng khoán Đà Nẵng lỗ lũy kế đến cuối năm 2011 là 14,254 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu còn 36,52 tỷ đồng (vốn điều lệ 50 tỷ đồng). Công ty chứng khoán Mê Kông lỗ lũy kế đến cuối năm 2011 là 45,24 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 56,08 tỷ đồng (vốn điều lệ 100 tỷ đồng).

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 226 về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng những yêu cầu này, áp dụng từ ngày 1/4/2011. Theo đó, công ty chứng khoán phải công bố định kỳ về báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng 6 và tháng 12 cùng thời điểm với công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính năm. Nếu để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt 6 tháng liền, kèm với lỗ luỹ kế 50% vốn điều lệ, công ty chứng khoán sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Trả lời báo chí, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng việc công bố danh sách này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tạo sức ép minh bạch lên các công ty chứng khoán. "Một số công ty phải tự nguyện, hoặc bắt buộc đóng cửa một số hoạt động nghiệp vụ, thậm chí phải tính đến nguy cơ bị dừng hẳn hoạt động", ông Sơn chia sẻ

Theo quy định của Bộ Tài chính, trong thời hạn kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chi trả cổ tức cho các cổ đông, chia lợi nhuận cho thành viên góp vốn; chia thưởng cho Thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng, nhân viên và người có liên quan tới tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức kinh doanh chứng khoán; không được mua cổ phiếu quỹ, mua lại phần vốn góp từ thành viên góp vốn;
không được ký mới, ký kéo dài và tiếp tục thực hiện các hợp đồng giao dịch ký quỹ, cho vay mua chứng khoán, giao dịch mua có cam kết bán lại, cho khách hàng vay không có tài sản bảo đảm; không được ký các hợp đồng bảo lãnh phát hành dưới hình thức cam kết chắc chắn;

Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được lập thêm phòng giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, mở rộng địa bàn hoạt động, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; không được tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đầu tư bất động sản; hạn chế đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng.

VnExpress

 
[Quay lại]

 Các Tin tức khác....

Câu chuyện xé lòng về người cha lập website tìm con
Vài điều thú vị về tỷ phú giàu nhất thế giới
Time công bố 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2012
Tin nóng về CNTT toàn cầu
100% tỉnh, thành sẽ quản lí lí lịch tư pháp bằng phần mềm
Nhà đất Tp.HCM hấp dẫn Việt kiều và người nước ngoài
Địa ốc chờ tan băng nhờ phao cứu sinh của ngân hàng
Năm 2015, quy mô TTCK Việt Nam đạt 50% GDP
Trang : 1 2 3 [>] [>>]